A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ung thư vòm miệng và hầu họng

Ung thư miệng và hầu họng có thể được chữa khỏi, đặc biệt nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm. Mặc dù chữa lành ung thư là mục tiêu chính của điều trị, việc bảo tồn chức năng của các dây thần kinh, cơ quan và mô lân cận cũng rất quan trọng. Khi lập kế hoạch điều trị, các bác sĩ xem xét việc điều trị có thể ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, chẳng hạn như cảm giác, thẩm mỹ, phát âm, ăn uống và hít thở.

Bài viết này đề cập đến các phương pháp điều trị chuẩn cho các loại ung thư miệng và hầu họng. “Điều trị chuẩn” là phương pháp điều trị được đánh giá là tốt nhất. Khi đưa ra quyết định về kế hoạch điều trị, bệnh nhân được khuyến khích tham khảo kết quả các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu thử nghiệm một cách tiếp cận điều trị mới, rằng phương pháp điều trị mới liệu có an toàn, hiệu quả và có thể tốt hơn điều trị chuẩn hay không. Thử nghiệm lâm sàng có thể là thử nghiệm một thuốc mới, một sự kết hợp mới của phương pháp điều trị chuẩn, hoặc liều mới của thuốc điều trị chuẩn hoặc là một phương pháp điều trị khác. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân xem xét tất cả các lựa chọn điều trị.

Tổng quan về điều trị

Trong nhiều trường hợp, một nhóm các bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sẽ làm việc cùng nhau để xây dựng một kế hoạch điều trị tốt nhất, còn gọi là “nhóm điều trị ung thư đa chuyên khoa”, cho từng bệnh nhân cụ thể. Nhóm này có thể bao gồm:

  • Bác sĩ nội khoa ung thư: điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc các loại thuốc khác, chẳng hạn như liệu pháp đích.
  • Bác sĩ xạ trị ung thư: điều trị ung thư bằng sử dụng bức xạ ion hóa
  • Bác sĩ phẫu thuật ung thư: điều trị ung thư bằng phẫu thuật
  • Bác sĩ tai mũi họng
  • Bác sĩ thẩm mỹ/phẫu thuật tạo hình: giúp sửa chữa các tổn thương do điều trị ung thư gây ra.
  • Bác sĩ chuyên khoa phục hình hàm mặt: giúp thực hiện phẫu thuật tái tạo vùng đầu mặt cổ.
  • Nha sĩ chuyên khoa ung thư hoặc nhà ung thư học về họng miệng: tư vấn cách chăm sóc cho những bệnh nhân ung thư đầu- cổ.
  • Nha sĩ chuyên khoa phục hình: giúp phục hồi răng bị tổn thương hoặc thay thế răng mất bằng mão răng, cầu răng, hoặc hàm giả.
  • Bác sĩ vật lý trị liệu: giúp cải thiện sức mạnh thể chất và khả năng vận động cho bệnh nhân
  • Chuyên gia ngôn ngữ: chuyên về các rối loạn giao tiếp và nuốt; giúp bệnh nhân lấy lại các kỹ năng nói và nuốt vốn bị ảnh hưởng bởi quá trình và các phương pháp điều trị ung thư.
  • Chuyên gia thính học: điều trị và kiểm soát các vấn đề về thính giác, thính lực.
  • Bác sĩ tâm lý/ bác sĩ tâm thần: hỗ trợ giải quyết các vấn đề về cảm xúc, tâm lý và hành vi của bệnh nhân ung thư và cả những thành viên gia đình của họ.

“Nhóm điều trị ung thư đa chuyên khoa” cũng có thể có thêm nhiều chuyên gia y tế khác, như bác sĩ phụ tá, y tá chuyên khoa ung thư, dược sĩ, tư vấn viên, chuyên gia dinh dưỡng và những người khác.

Xây dựng một kế hoạch điều trị toàn diện là vô cùng quan trọng trước khi bắt tay vào điều trị. Bệnh nhân cần được tư vấn bởi nhiều chuyên gia trước khi thiết lập kế hoạch điều trị đầy đủ.

Có 3 lựa chọn chính trong điều trị ung thư miệng và hầu họng, đó là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị (được miêu tả bên dưới). Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, như là loại ung thư, giai đoạn bệnh, tác dụng phụ có thể xảy ra, sức khỏe toàn trạng và cả quyết định của bệnh nhân. Có thể chọn một phương pháp, hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Kế hoạch chăm sóc cũng cần bao gồm điều trị các triệu chứng và kiểm soát tác dụng phụ, đây là một phần quan trọng của việc chăm sóc và điều trị ung thư.

Hãy dành thời gian để tìm hiểu tất cả các lựa chọn điều trị và hỏi kỹ về những điều chưa hiểu rõ. Nói chuyện với bác sĩ về các mục tiêu của mỗi lần điều trị và những gì có thể mong đợi trong khi điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là cắt bỏ khối u và tổ chức mô lành xung quanh (còn được gọi là rìa khối u). Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u, với rìa vết mổ âm tính, có nghĩa là không có dấu vết ung thư trong các mô khỏe mạnh còn lại. Đôi khi sau phẫu thuật cần điều trị bổ trợ bằng xạ trị, hóa trị, hoặc cả hai. Tùy thuộc vào vị trí, giai đoạn và bệnh lý của ung thư, một số trường hợp có thể cần phẫu thuật nhiều lần để loại bỏ ung thư, khôi phục lại thẩm mỹ và chức năng của các mô bị ảnh hưởng.

Các phẫu thuật phổ biến nhất để loại bỏ ung thư miệng và hầu họng bao gồm:

  • Phẫu thuật khối u nguyên phát. Cắt bỏ khối u và mô bao quanh khối u để bảo đảm không còn sót tế bào ung thư. Khối u có thể được cắt bỏ qua đường miệng hoặc đường rạch da ở cổ. Cũng có thể là thủ thuật cắt xương hàm dưới (mandibulotomy) để tiếp cận khối u, sau đó được nối trở lại.
  • Phẫu thuật lưỡi. Cắt bỏ lưỡi một phần hoặc toàn bộ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm dưới (Mandibulectomy) Nếu khối u đã đi vào xương hàm nhưng không lan vào xương thì một phần hoặc toàn bộ xương hàm dưới sẽ bị cắt bỏ. Nếu có bằng chứng phá hủy xương hàm trên phim Xquang, thì toàn bộ xương có thể cần phải được cắt bỏ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm trên (Maxillectomy). Phẫu thuật này loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khẩu cái cứng/vòm miệng sau đó phục hình bằng hàm giả hoặc vạt da mô mềm (có hoặc không bao gồm xương) nhằm lấp đầy khoảng trống được tạo ra sau phẫu thuật.
  • Phẫu thuật vùng cổ. Ung thư vùng miệng và hầu họng thường lan truyền đến các hạch bạch huyết ở cổ, nên có thể nạo vét một số hoặc tất cả các hạch bạch huyết vùng cổ.
  • Phẫu thuật thanh quản (Laryngectomy). Là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần thanh quản. Thanh quản rất quan trọng để nuốt vì nó bảo vệ đường hô hấp tránh thực phẩm và chất lỏng xâm nhập vào khí quản và phổi, dẫn đến viêm phổi. Cắt thanh quản rất hiếm khi chỉ định để điều trị ung thư miệng hoặc hầu họng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khối u lớn của lưỡi hoặc hầu họng, chỉ định cắt bỏ thanh quản là cần thiết để bảo vệ đường thở khi nuốt. Nếu thanh quản được lấy đi, khí quản (bên dưới thanh quản) sẽ được mở ra da cổ tạo một lỗ thoát khí, gọi là thủ thuật mở khí quản. Việc phục hồi chức năng là cần thiết để học cách phát âm và nói chuyện mới.
  • Phẫu thuật robot đường miệng và vi phẫu thuật laser đường miệng. Phẫu thuật robot đường miệng (Transoral robotic surgery – TORS) và vi phẫu thuật laser đường miệng (transoral laser microsurgery – TLM) là các phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Điều này có nghĩa là không cần đường phẫu thuật rộng để tiếp cận và loại bỏ khối u. Trong phẫu thuật robot đường miệng, dụng cụ nội soi được sử dụng để nhìn thấy khối u trong cổ họng. Sau đó, hai cánh tay robot nhỏ hoạt động như cánh tay của bác sĩ phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Trong vi phẫu thuật laser đường miệng, dụng cụ nội soi kết nối với bộ phận laser được đưa vào miệng. Khối u được loại bỏ bằng laser.
  • Một mục tiêu quan trọng của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u với các đường viền âm tính. Bác sĩ phẫu thuật thường có thể biết ngay trong phòng mổ rằng tất cả khối u đã được cắt bỏ hay chưa.

Phẫu thuật điều khiển kính hiển vi (Micrographic surgery), thường được sử dụng trong điều trị ung thư da nhưng đôi khi có thể được sử dụng cho các khối u khoang miệng, ví dụ như khối u ở vùng môi. Thủ thuật này bao gồm việc loại bỏ các khối u có thể nhìn thấy rõ cùng các phần mô nhỏ xung quanh khối u. Mỗi phần mô nhỏ được kiểm tra dưới kính hiển vi cho đến khi tất cả phần ung thư đã được loại bỏ.

Các loại phẫu thuật khác cũng có thể được sử dụng, bao gồm:

  • Thủ thuật mở khí quản (Tracheostomy). Nếu khối ung thư chèn tắc cổ họng hoặc quá lớn không thể cắt bỏ hoàn toàn, một lỗ thông được mở tạm thời hoặc vĩnh viễn ở vùng cổ. Sau đó, ống nội khí quản được đặt để giúp bệnh nhân thở qua ống này.
  • Đặt ống nuôi ăn tại dạ dày (Gastrostomy/G tube). Nếu khối ung thư gây tắc nghẽn khiến bệnh nhân không thể nuốt, bệnh nhân được chỉ định đặt một thiết bị cho ăn gọi là ống nuôi ăn tại dạ dày. Ống đi qua da, cơ bụng và trực tiếp vào dạ dày, được sử dụng như phương pháp tạm thời để duy trì dinh dưỡng cho đến khi bệnh nhân có thể nuốt được thức ăn bằng miệng một cách an toàn. Nếu khó nuốt chỉ tạm thời, có thể sử dụng ống thông mũi-dạ dày (Nasogastric/NG tube). Ống được đưa vào qua mũi, xuống thực quản và vào dạ dày.
  • Phẫu thuật tái tạo. Nếu việc điều trị đòi hỏi phải loại bỏ các vùng mô lớn, phẫu thuật tái tạo có thể giúp bệnh nhân nuốt và nói trở lại. Xương hoặc mô khỏe mạnh có thể được lấy từ các bộ phận khác của cơ thể để lấp đầy hoặc thay thế một phần của môi, lưỡi, vòm họng hoặc xương hàm đã bị cắt bỏ trong phẫu thuật. Chuyên gia phục hình có thể làm phần răng giả hoặc mặt giả (mắt mũi miệng,…) để giúp nuốt, nói và phục hồi thẩm mỹ. Chuyên gia ngôn ngữ có thể dạy cho bệnh nhân giao tiếp bằng cách sử dụng các kỹ thuật mới hoặc thiết bị đặc biệt. Sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị, bệnh nhân cũng có thể được hướng dẫn phục hồi khả năng nuốt.
  • Nhìn chung, phẫu thuật ung thư miệng và hầu họng thường gây phù nề, khó thở, có thể gây mất vĩnh viễn giọng nói hoặc khó phát âm; khó nhai, nuốt hoặc nói; tê tai; cử động đưa tay qua đầu bị khó khăn; giảm vận động môi dưới; và biến dạng khuôn mặt. Phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp, đặc biệt là sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần hoặc xạ trị.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần được tư vấn từ các chuyên gia trong “nhóm điều trị ung thư đa chuyên khoa” trước khi quyết định một can thiệp cụ thể. Mặc dù phẫu thuật là cách nhanh nhất để loại bỏ khối u, vẫn có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác để đem lại hiệu quả tương đương. Do đó, nên hỏi bác sĩ về tất cả các lựa chọn điều trị trước khi quyết định.

Cũng cần hỏi để biết trước các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách kiểm soát chúng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Cơ sở điều trị
Hoạt động
Video
Fanpage